Điều kiện năng lực đối với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng

8Th6 - by admin - 0 - In TIN TỨC

Điều kiện năng lực đối với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nhân sự của ban quản lý dự án phải đáp ứng các điều kiện cơ bản theo quy định của Nghị định 59/2015/NĐ-CP.

Dự án đầu tư xây dựng là một trong những vấn đề được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Việc đầu tư dự án xây dựng đã có những quy định cụ thể của pháp luật nhà nước về đầu tư. Một trong những vấn đề được quan tâm và đặc biệt quan trọng trong khi thực hiện dự án đầu tư đó là ban quản lý dự án đầu tư xây dựng. Bài viết dưới đây của Luật Dương gia sẽ giúp bạn đọc có những kiến thức pháp lý về vấn đề này.

1. Cơ sở pháp lý:

Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 nghị định quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng

Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29 tháng 9 năm 2009  về việc công bố định mức chi phí quản lý dự án đầu tư và tư vấn xây dựng

Luật xây dựng năm 2014 số 50/2014/QH13 mới nhất áp dụng năm 2021

2. Giải đáp vấn đề:

Thứ nhất, quy định về dự án đầu tư xây dựng và ban quản lý dự án đầu tư xây dựng

Căn cứ Điều 15 khoản 3 tại Luật xây dựng năm 2014 số 50/2014/QH13 mới nhất áp dụng năm 2021 quy định về Dự án đầu tư xây dựng như sau:

“Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng nhằm phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn và chi phí xác định. Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án được thể hiện thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.”

Như vậy, ta có thể hiểu dự án đầu tư xây dựng là những đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn trong hoạt động xây dựng bao gồm các hoạt động về xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo,tu bổ công trình nhằm đạt được các mục đích về chất lượng công trình và đảm bảo công trình được thi công thực hiện nghiêm túc, đạt chất lượng cao.

Căn cứ tại Điều 63 Luật xây dựng năm 2014 số 50/2014/QH13 mới nhất áp dụng năm 2021 thì ban quản lý dự án đầu tư xây dựng được chia thành hai loại hình ban quản lý là:

Xem thêm: Chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng

+ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành;

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành là ban quản lý  đối với những dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị và tổ chức chính trị – xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư, chủ đầu tư

+ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực.

Ban quản lý dự án đầu tư khu vực là ban quản lý đối với những dự án  được thành lập theo quy định tại Điều 63 hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình.Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách của cấp xã, chủ đầu tư là Ủy ban nhân dân cấp xã. Riêng đối với dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, chủ đầu tư do người quyết định đầu tư quyết định phù hợp với điều kiện cụ thể của mình.

Thứ hai, chức năng của ban quản lý dự án đầu tư xây dựng

Căn cứ tại Điều 63 Luật xây dựng năm 2014 số 50/2014/QH13 mới nhất áp dụng năm 2021, ngoài ra tại khoản 3 điều 17 Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 nghị định quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng  quy định cụ thể về chức năng của ban quản lý như sau:

+ Ban quản lý có chức năng làm chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng thuộc một trong những lĩnh vực dân dụng và công nghiệp sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước ngoài ngân sách do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư, trừ các trường hợp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giao cho cơ quan, tổ chức khác làm chủ đầu tư;

+ Ban quản lý có chức năng tiếp nhận và quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật;

+ Ban quản lý thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư, ban quản lý Dự án quy định tại Điều 68, Điều 69 của  Luật xây dựng năm 2014 số 50/2014/QH13 mới nhất áp dụng năm 2021 như sau:

“Điều 68. Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

1. Chủ đầu tư có các quyền sau:

a) Lập, quản lý dự án khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật này;

b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về lập, quản lý dự án;

c) Lựa chọn, ký kết hợp đồng với nhà thầu tư vấn để lập, quản lý dự án;

d) Tổ chức lập, quản lý dự án; quyết định thành lập, giải thể Ban quản lý dự án đầu tư xây dựngmột dự án theo thẩm quyền;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau:

a) Xác định yêu cầu, nội dung nhiệm vụ lập dự án; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết trong trường hợp thuê tư vấn lập dự án; tổ chức nghiệm thu kết quả lập dự án và lưu trữ hồ sơ dự án đầu tư xây dựng;

b) Lựa chọn tổ chức tư vấn lập dự án có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật này;

c) Chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý, tính chính xác của các thông tin, tài liệu được cung cấp cho tư vấn khi lập dự án; trình dự án với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;

d) Lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm tra dự án theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức thẩm định dự án và của người quyết định đầu tư;

đ) Tổ chức quản lý thực hiện dự án theo quy định tại Điều 66 của Luật này;

e) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án; định kỳ báo cáo việc thực hiện dự án với người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

g) Thu hồi vốn, trả nợ vốn vay đối với dự án có yêu cầu về thu hồi vốn, trả nợ vốn vay;

h) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

Xem thêm: Phân loại các dự án đầu tư xây dựng công trình mới nhất năm 2021

“Điều 69. Quyền và nghĩa vụ của ban quản lý dự án đầu tư xây dựng:

1. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có các quyền sau:

a) Thực hiện quyền quản lý dự án theo ủy quyền của chủ đầu tư;

b) Đề xuất phương án, giải pháp tổ chức quản lý dự án, kiến nghị với chủ đầu tư giải quyết vấn đề vượt quá thẩm quyền;

c) Thuê tổ chức tư vấn tham gia quản lý dự án trong trường hợp cần thiết sau khi được người quyết định đầu tư, chủ đầu tư chấp thuận.

2. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có các nghĩa vụ sau:

a) Thực hiện nghĩa vụ của chủ đầu tư về quản lý dự án trong phạm vi được ủy quyền;

b) Tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng, chi phí, an toàn và bảo vệ môi trường trong xây dựng;

c) Báo cáo công việc với chủ đầu tư trong quá trình quản lý dự án;

d) Chịu trách nhiệm về vi phạm pháp luật trong quản lý thực hiện dự án;

đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”

+Ban quản lý thực hiện các chức năng khác khi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý dự án;

+Ban quản lý thực hiện việc bàn giao công trình xây dựng hoàn thành cho chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng công trình khi kết thúc xây dựng hoặc trực tiếp quản lý vận hành, khai thác sử dụng công trình hoàn thành theo yêu cầu của người quyết định đầu tư;

+Ban quản lý tiến hành nhận ủy thác quản lý dự án của các chủ đầu tư khác khi được yêu cầu và các hợp đồng tư vấn xây dựng khác khi có đủ năng lực để thực hiện trên cơ sở đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ quản lý các dự án đã được giao.

Thứ ba, quy định về cơ cấu tổ chức của ban quản lý dự án đầu tư xây dựng

Trong ban quản lý dự án đầu tư xây dựng bao gồm các phòng ban chuyên môn nghiệp vụ như: văn phòng Ban quản lý dự án; phòng kỹ thuật – thẩm định; phòng tài chính – kế toán; phòng điều hành dự án số 1, số 2; phòng dịch vụ tư vấn dự án đầu tư xây dựng.

Để điều hành được ban quản lý dự án thì ban quản lý dự án phải có các chức danh chủ chốt như; giám đốc; phó giám đốc và kế toán trưởng ngoài ra còn có các trưởng phòng và phó trưởng phòng theo từng phòng ban trong ban quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cho từng chức vụ trong ban quản lý dự án và thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức vụ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định pháp luật và phân cấp cán bộ của tỉnh.

TƯ VẤN MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:

Tóm tắt câu hỏi:

Kính gửi Luật sư Dương Gia. Tôi có một vấn đề rất mong nhận được sự trợ giúp của Luật sư Luật Dương gia. Luật sư có thể tư vấn giúp tôi  một vấn đề như sau:

Câu hỏi 1: Đơn vị chúng Tôi (Chủ đầu tư) là một trường Cao đẳng. Hiện tại Chúng Tôi đang xây dựng một cơ sở dạy học mới với tổng mức 35 tỷ đồng, dự án nhóm B. Thiết kế 2 bước. Cơ quan Tôi đã thành lập BQLDA kiêm nhiệm bao gồm Tôi Kỹ sư xây dựng (đã có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ BQLDA và tư vấn giám sát) và 01 kế toán trưởng có chuyên nghành phù hợp. CĐT đã đi thuê 1 ông kỹ sư xây dựng có đủ năng lực theo điều khoản 54 Nghị định 59/2015/NĐ-CP để làm Giám đốc BQLDA. Như vậy, Ban quản lý dự án do Chúng Tôi lập ra đã đủ năng lực để thực hiện công tác quản lý dự án hay chưa ?.

Câu hỏi 2: Với BQLDA do Chủ Đầu tư tự thành lập như Cơ quan của Tôi thì chi phí QLDA có được duyệt 100% định mức theo Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/09/2009 hay không ?

Câu hỏi 3: Đối với dự án của Chúng Tôi giai đoạn lập dự án đầu tư đã được Cục hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng thẩm tra. Tôi chưa rõ việc tiếp theo bản vẽ thiết kế thi công – Tổng dự toán sẽ do Bộ Xây dựng thẩm tra tiếp hay do Sở Xây dựng thẩm tra ?. (Dự án của Chúng Tôi phải xin giấy phép xây dựng trước khi khởi công).

Kính mong Luật sư Luật Dương gia xem xét và trả lời thư sớm giúp chúng Tôi. Xin cảm ơn Luật Dương gia.

Luật sư tư vấn:

Căn cứ tại Điều 64 Nghị định 59/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện năng lực đối với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng như sau:

“Điều64. Điều kiện năng lực đối với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng

1. Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước:

a) Giám đốc quản lý dự án phải đáp ứng điều kiện năng lực quy định tại Khoản 2 Điều 54 Nghị định này;

b) Những người phụ trách các lĩnh vực chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với quy mô dự án, cấp công trình và công việc đảm nhận;

c) Có ít nhất 20 (hai mươi) người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại dự án chuyên ngành.

2. Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Giám đốc quản lý dự án phải đáp ứng điều kiện năng lực quy định tại Khoản 2 Điều 54 Nghị định này;

b) Những người phụ trách các lĩnh vực chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp quy mô dự án, cấp công trình và với công việc đảm nhận;

c) Có ít nhất 10 (mười) người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại dự án chuyên ngành.

3. Ban quản lý dự án một dự án:

a) Giám đốc quản lý dự án phải đáp ứng điều kiện năng lực quy định tại Khoản 2 Điều 54 Nghị định này;

b) Những người phụ trách các lĩnh vực chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với quy mô dự án, cấp công trình và công việc đảm nhận;

c) Có ít nhất 10 (mười) người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại dự án được giao quản lý.”

Theo như bạn trình bày thì Ban quản lý dự án này thành lập chỉ là Ban quản lý dự án một dự án. Như vậy, điều kiện năng lực đối với Ban quản lý dự án phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 64 này. Do vậy, theo bạn trình bày thì ban quản lý dự án của bạn mới chỉ gồm bạn, 1 kế toán và giám đốc quản lý dự án là chưa đủ điều kiện năng lực để quản lý dự án.

Tại Điểm 1.1 mục 1 Quyết định 957/QĐ-BXD quy định về một số hướng dẫn chung áp dụng định mức chi phí như sau:

“Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình công bố tại Quyết định này bao gồm các chi phí cần thiết để hoàn thành các công việc quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình. Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án, của công trình, chủ đầu tư xem xét quyết định việc áp dụng định mức chi phí để xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình. Trường hợp vận dụng định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn theo công bố tại Quyết định này không phù hợp (không đủ chi phí hoặc thừa chi phí) thì chủ đầu tư xem xét quyết định điều chỉnh định mức hoặc lập dự toán để xác định chi phí.”

Định mức chi phí quản lý dự án gồm các chi phí cần thiết để hoàn thành các công việc quản lý dự án. Do vậy, việc ban quản lý dự án có được duyệt 100% định mức hay không phụ thuộc vào các chi phí cần thiết để hoàn thành các công việc quản lý dự án chứ không phụ thuộc vào việc ban quản lý dự án có phải là do chủ đầu tư tự thành lập hay không.

Trước hết, cần xác định vốn đầu tư của dự án là vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách hay dự án sử dụng vốn khác

Sau khi xác định được dự án sử dụng nguồn vốn nào thì ta sẽ xác định được thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình thuộc dự án. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình thuộc dự án tùy vào các nguồn vốn khác nhau được quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 26 Nghị định 59/2015/NĐ-CP .

Như vậy, tùy thuộc vào công trình xây dựng của dự án đầu tư thuộc cấp nào và sử dụng nguồn vốn nào thì sẽ nộp thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng lên các cơ quan cơ quan có thẩm quyền phù hợp. Do vậy, bạn đối chiếu với khoản 1 của các Điều 24, Điều 25, Điều 26 này để xác định cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định đối với thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng của dự án này.

Trên đây là toàn bộ những quy định pháp luật về luật xây dựng nói chung cũng như các quy định về ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nói riêng mà Luật Dương gia cung cấp tới cho bạn đọc. Hi vọng bài viết trên đây của Luật Dương gia sẽ giúp cho bạn đọc có những kiến thức pháp lý về vấn đề này.


Bạn không biết Tải Tài Liệu như thế nào ? 👉 Xem Cách Tải 👉