Nhân lực và máy móc thiết bị nhà thầu

13Th4 - by PHẠM BÁ QUANG - 0 - In TIN TỨC
Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của bên mời thầu để thực hiện các gói thầu trên cơ sở đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Trong nội dung bài viết này, người viết xin đề cập đến các quy định pháp luật đối với việc kê khai và đánh giá kinh nghiệm, năng lực của nhà thầu, thực tiễn thực hiện; đồng thời đề xuất một vài giải pháp nhằm “hỗ trợ” các nhà thầu và chủ đầu tư, bên mời thầu trong quá trình chuẩn bị HSDT cũng như đánh giá HSDT.

Quy định về kê khai và đánh giá kinh nghiệm, năng lực của nhà thầu

Về kê khai kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu: HSMT là toàn bộ tài liệu sử dụng cho đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế, bao gồm các yêu cầu cho một gói thầu làm căn cứ pháp lý để nhà thầu chuẩn bị HSDT và để bên mời thầu đánh giá HSDT nhằm lựa chọn nhà thầu trúng thầu; là căn cứ cho việc thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng. Vì vậy, lẽ dĩ nhiên trong HSMT (đối với gói thầu không thực hiện sơ tuyển) chắc chắn phải đưa ra các yêu cầu về kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu. HSDT là toàn bộ tài liệu do nhà thầu lập theo yêu cầu của HSMT và được nộp cho bên mời thầu theo quy định nêu trong HSMT. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của HSMT, HSDT đương nhiên cũng phải kê khai kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu tham dự thầu.

Trước hết, phải khẳng định rằng, việc kê khai kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu là nhằm chứng minh khả năng thật sự của nhà thầu hay nói cách khác là thực lực mà nhà thầu có thể huy động để thực hiện gói thầu. Nhà thầu là tổ chức thì khi kê khai kinh nghiệm và năng lực trong HSDT cần tuân thủ một số quy định như sau:

Thứ nhất, nhà thầu phải kê khai trung thực các thông tin liên quan đến kinh nghiệm và năng lực của mình theo đúng yêu cầu của HSMT.

Thứ hai, nhà thầu chỉ được sử dụng năng lực, kinh nghiệm của chính mình (tức là thực lực sẵn có của chính mình) để kê khai trong HSDT (bao gồm cả thực lực của các đơn vị thành viên, nếu được huy động) để đảm bảo rằng nếu trúng thầu sẽ huy động được để thực hiện các nội dung công việc của gói thầu.

IMG

Chẳng hạn, trường hợp công ty mẹ hay tổng công ty tham dự thầu thì chỉ kê khai năng lực và kinh nghiệm của đơn vị (công ty con, chi nhánh, xí nghiệp…) được giao trực tiếp thực hiện gói thầu nếu công ty mẹ hay tổng công ty thực tế sẽ huy động các đơn vị này tham gia thực hiện gói thầu khi được lựa chọn trúng thầu. Tuy nhiên, trường hợp cả công ty mẹ hay tổng công ty và các công ty con cùng tham dự thầu một gói thầu thì công ty mẹ hay tổng công ty chỉ kê khai kinh nghiệm và năng lực của mình mà không bao gồm kinh nghiệm và năng lực của công ty con và ngược lại, công ty con cũng chỉ được kê khai kinh nghiệm và năng lực của chính mình trong HSDT (không bao gồm kinh nghiệm và năng lực của công ty mẹ hay tổng công ty).

Thứ ba, nhà thầu liên danh kê khai kinh nghiệm và năng lực trên cơ sở văn bản thỏa thuận liên danh giữa các thành viên nhằm đảm bảo tổng kinh nghiệm và năng lực của liên danh đáp ứng yêu cầu của HSMT; đồng thời kinh nghiệm và năng lực của từng thành viên đáp ứng yêu cầu đối với phần việc được phân công thực hiện trong liên danh.

Thứ tư, khi kê khai kinh nghiệm và năng lực, nhà thầu phải nộp đầy đủ các tài liệu kèm theo (được quy định trong HSMT) để chứng minh kinh nghiệm và năng lực đã kê khai trong HSDT. Chẳng hạn, khi kê khai kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự thì nhà thầu phải nộp kèm theo các văn bản, tài liệu liên quan đến hợp đồng đó và phải có xác nhận của chủ đầu tư; kê khai năng lực kỹ thuật như máy móc, thiết bị thì nhà thầu phải kèm theo văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê (đối với trường hợp không thuộc sở hữu của nhà thầu); kê khai năng lực tài chính thì phải kèm theo báo cáo kiểm toán và các văn bản tài chính khác như báo cáo kiểm toán, tờ khai tự quyết toán thuế, văn bản xác nhận của cơ quan quản lý thuế…

 

Về đánh giá kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu: Theo quy định của Luật Đấu thầu, việc đánh giá kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu được thực hiện ở bước đánh giá chi tiết HSDT. Nhà thầu vượt qua bước đánh giá sơ bộ sẽ được tiếp tục đánh giá chi tiết, ở bước này, kinh nghiệm và năng lực mà nhà thầu đã kê khai trong HSDT sẽ được xem xét, đánh giá. Nhà thầu được xem xét đề nghị trúng thầu nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 37 và Điều 38 của Luật Đấu thầu, trong đó bao gồm việc được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm và năng lực.

Trên cơ sở các quy định đối với nhà thầu khi kê khai kinh nghiệm và năng lực trong HSDT, việc đánh giá HSDT của chủ đầu tư, bên mời thầu cũng cần phải bảo đảm một số nguyên tắc.

Thứ nhất, việc đánh giá HSDT chỉ và phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT (trong đó có tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm và năng lực), các yêu cầu khác nêu trong HSMT, đồng thời căn cứ vào HSDT đã nộp cũng như các tài liệu giải thích, làm rõ HSDT của nhà thầu theo phương pháp và trình tự đánh giá lần lượt được quy định tại các Điều 29, Điều 35 Luật Đấu thầu; không được phép thay đổi, bổ sung tiêu chuẩn đánh giá, bao gồm cả tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm và năng lực sau thời điểm đóng thầu.

 

Thứ hai, chỉ xem xét đánh giá kinh nghiệm và năng lực thực tế của nhà thầu trên cơ sở kê khai của nhà thầu khi có kèm theo đầy đủ các văn bản, tài liệu chứng minh.

 

Thứ ba, đối với nhà thầu liên danh, việc đánh giá kinh nghiệm phải thực hiện trên cơ sở thỏa thuận liên danh (trong đó có phân định trách nhiệm, quyền hạn, khối lượng công việc phải thực hiện và giá trị tương ứng của từng thành viên trong liên danh) theo nguyên tắc kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu liên danh là tổng kinh nghiệm và năng lực của các thành viên trên cơ sở phạm vi công việc mà mỗi thành viên đảm nhận, trong đó từng thành viên phải chứng minh kinh nghiệm và năng lực của mình là đáp ứng yêu cầu của HSMT cho phần việc được phân công thực hiện trong liên danh.