* Cơ sở pháp lý
– Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2018
– Luật Đầu tư công năm 2019
– Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2018
– Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư năm 2020
1. Dự án đầu tư xây dựng là gì?
Xây dựng là việc xây, tạo dựng nên cơ sở hạ tầng. Mặc dù hoạt động này được xem là riêng lẻ, song trong thực tế, đó là sự kết hợp của nhiều nhân tố.
Đầu tư xây dựng là cụm từ nói về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cơ sở kinh tế – xã hội … Vậy khái niệm đầu tư là hoạt động bỏ vốn trước mắt để thu lợi nhuận trong tương lai; còn đầu tư xây dựng là đầu tư xây dựng các công trình có tính chất xây dựng như : xây dựng công trình giao thông , thủy lợi thủy điện, cầu cảng , xây dựng nhà cửa , công sở , nhà máy phục vụ sản xuất phát triển kinh tế ; các công trình phúc lợi xã hội như nhà văn hóa công viên rạp chiếu …phục vụ phát triển của xã hội. Như vậy đầu tư xây dựng có đặc thù riêng đó là lợi nhuận của nó phục vụ cho mọi người , mọi ngành trong xã hội , nguồn vốn đầu tư lớn cần có sự đầu tư của nhà nước.
Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình
Tại Khoản 15 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định: “Dự án đầu tư xây dựng là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng nhằm phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn và chi phí xác định. Ở giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng, dự án được thể hiện thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.” Như vậy, dự án đầu tư xây dựng chính là những dự trù, đề xuất liên quan đến hoạt động xây dựng, sửa chữa , cải tạo công trình xây dựng nhất định.
2. Chủ thể có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng
Theo quy định tại Điều 60 Luật xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng như sau:
“Điều 60. Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng
1. Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
2. Đối với dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước, thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Đối với dự án PPP, thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
4. Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, trừ dự án quy định tại khoản 2 Điều này và đối với dự án sử dụng vốn khác, chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư xây dựng hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.”
Như vậy, theo quy định của Điều 60 này, thì thẩm quyền quyết định dự án đầu tư được chia ra đối với từng loại dự án đầu tư khác nhau, như chia ra thành dự án sử dụng vốn đầu tư công; dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước; dự án PPP và dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công.
Xem thêm: Quy định về thời gian thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng
2.1. Thẩm quyền phê duyệt, quyết định dự án sử dụng vốn đầu tư công
Tại Luật Đầu tư công năm 2019 quy định như sau:
“Điều 35. Thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư chương trình, dự án sau đây:
a) Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;
b) Chương trình đầu tư công đã được Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư;
c) Chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo và các chương trình, dự án khác theo quy định của Chính phủ.
2. Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương có thẩm quyền sau đây:
a) Quyết định đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền quản lý, trừ dự án quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
b) Được phân cấp hoặc ủy quyền quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, nhóm C quy định tại điểm a khoản này cho cơ quan trực thuộc.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư chương trình, dự án sau đây:
a) Chương trình đầu tư công đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư;
b) Dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp tỉnh quản lý, trừ dự án quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư chương trình, dự án sau đây:
a) Chương trình đầu tư công đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư;
b) Dự án nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý, trừ dự án quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.”
Như vậy, có thể thấy đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, thì các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quyết định đầu tư xây dựng bao gồm:
– Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư chương trình, dự án là chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; dự án là chương trình đầu tư công đã được Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; và dự án là chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo và các chương trình, dự án khác theo quy định của Chính phủ.
– Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C (tiêu chí phân biệt các nhóm dự án này được quy định trong Luật Đầu tư công năm 2019) sử dụng vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền quản lý, trừ dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ . Người đứng đầu Bộ, Cơ quan trung ương có thẩm quyền trên thì được phân cấp hoặc ủy quyền quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, nhóm C thuộc thẩm quyền phê duyệt, quyết định cho cơ quan trực thuộc.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư đối với chương trình đầu tư công đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư; và các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp tỉnh quản lý, trừ dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phê duyệt, quyết định đầu tư với chương trình đầu tư công đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư và cự án nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý, trừ dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
2.2. Thẩm quyền phê duyệt, quyết định đối với dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước
Tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định như sau:
“Điều 24. Đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định
1. Thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định của doanh nghiệp:
a) Căn cứ chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định từng dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định với giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công.
Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phân cấp cho Tổng giám đốc hoặc Giám đốc quyết định các dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định theo quy định tại điều lệ hoặc quy chế tài chính của doanh nghiệp;
b) Trường hợp dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định có giá trị lớn hơn mức quy định tại điểm a khoản này, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt.”
Như vậy, trong trường hợp này, chủ thể có thẩm quyền quyết định dự án đầu tư xây dựng đó chính là Hội đồng Thành viên, Chủ tịch công ty quyết định đối với dự án đầu tư xây dựng không quá 50% vốn chủ sở hữu, Hội đồng Thành viên, Chủ tịch công ty sẽ phân cấp cho Tổng giám đốc và Giám đốc quyết định các dự án đầu tư xây dựng. Các trường hợp không thuộc thẩm quyền của mình thì Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty báo cáo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt.
2.3. Thẩm quyền phê duyệt, quyết định đối với dự án PPP
Tại Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư quy định như sau:
“Điều 21. Thẩm quyền phê duyệt dự án PPP
1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này.
2. Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác phê duyệt dự án thuộc phạm vi quản lý quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của Luật này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt dự án thuộc phạm vi quản lý quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 12 của Luật này.”
Như vậy, chủ thể có thẩm quyền phê duyệt, quyết định đối với dự án PPP; Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trong ương và cơ quan khác; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2.4. Thẩm quyền phê duyệt, quyết định đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công
Đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công mà không thuộc trường hợp doanh nghiệp sử dụng dụng vốn nhà nước để đầu tư xây dựng và các dự án sử dụng vốn khác, thì thẩm quyền phê duyệt, quyết định đầu tư xây dụng đó chính là chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư xây dựng hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.”