Thí nghiệm hiện trường xây dựng là gì ?

12Th4 - by admin - 0 - In TIN TỨC
Thí nghiệm hiện trường xây dựng là gì ?

Thí nghiệm bàn nén hiện trường là thí nghiệm mô phỏng đế móng và đất công trình khi ở trạng thái tự nhiên. Nó được hiểu đơn giản là việc khảo sát địa chất hiện trường trước khi xây dựng công trình. Thông qua thí nghiệm, chúng ta có thể có được những thông tin tổng quát nhất về nền đất.

Quy định về trạm thí nghiệm hiện trường xây dựng

Quy định về trạm thí nghiệm hiện trường xây dựng được quy định tại Điều 5 Thông tư 06/2017/TT-BXD hướng dẫn hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành như sau:

1. Trạm thí nghiệm hiện trường là một thực thể của phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, do tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng thành lập để phục vụ hoạt động thí nghiệm cho dự án/công trình xây dựng cụ thể trong khoảng thời gian thi công dự án/công trình xây dựng đó. Trạm thí nghiệm hiện trường được bố trí nhân lực, thiết bị, dụng cụ, đáp ứng các yêu cầu về không gian và điều kiện thí nghiệm như phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, tương ứng với các phép thử được thực hiện.

2. Căn cứ yêu cầu thực tế của từng dự án/công trình xây dựng cụ thể, việc thành lập trạm thí nghiệm hiện trường phải được ban hành bằng Quyết định. Quyết định thành lập trạm thí nghiệm hiện trường phải ghi rõ địa chỉ, kèm theo danh mục nhân sự, thiết bị được điều chuyển. Quyết định thành lập được gửi cho chủ đầu tư hoặc cá nhân, tổ chức được chủ đầu tư ủy quyền kiểm tra xác nhận phù hợp với các phép thử thực hiện cho công trình. Quá trình kiểm tra được lập thành biên bản trước khi tiến hành các hoạt động thí nghiệm, Trường hợp một trạm thí nghiệm hiện trường phục vụ cho nhiều dự án/công trình cùng thời điểm thì phải được ghi rõ trong Quyết định thành lập trạm thí nghiệm hiện trường hoặc phải ban hành Quyết định bổ sung.

3. Trạm thí nghiệm hiện trường được sử dụng mã số LAS-XD của phòng thí nghiệm được công nhận của tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.

4. Các thiết bị thí nghiệm đặt cố định tại trạm thí nghiệm hiện trường phải được kiểm định/hiệu chuẩn lại theo quy định của pháp luật về đo lường trước khi tiến hành các thí nghiệm.

5. Trước khi tiến hành các hoạt động thí nghiệm và trong thời gian 01 tháng sau khi kết thúc các hoạt động của trạm thí nghiệm hiện trường, tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho Sở Xây dựng tại địa phương nơi thực hiện dự án/công trình xây dựng,

Trên đây là nội dung câu trả lời về quy định về trạm thí nghiệm hiện trường xây dựng theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm về vấn đề này tại Thông tư 06/2017/TT-BXD.

Các phương pháp thí nghiệm hiện trường

Các phương pháp thí nghiệm hiện trường được thực hiện ngoài hiện trường song song với quá trình khoan khảo sát địa chất.

Tùy vào từng tính chất cụ thể của công trình mà áp dụng loại thí nghiệm thích hợp. Các thí nghiệm thường hay sử dụng tại hiện trường là thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn SPT, thí nghiệm cắt cánh, thí nghiệm đo điện trở đất, thí nghiệm quan trắc mực nước ngầm trong hố khoan.

Tham khảo phụ lục E của TCVN 9363: 2012 về các phương pháp thí nghiệm hiện trường.

Ví dụ minh họa cho thí nghiệm cắt cánh

Các phương pháp thí nghiệm hiện trường

E.1 Thí nghiệm xuyên tĩnh:

Thí nghiệm xuyên tĩnh có thể được thực hiện để làm rõ tính đồng nhất của địa tầng, đặc tính biến dạng và sức chịu tải của đất nền, dự tính sức chịu tải của cọc đơn… Thí nghiệm được thực hiện trong các lớp đất dính và đất rời không chứa cuội sỏi. Mục đích của thí nghiệm này là cung cấp thêm các thông tin để thiết kế và thi công các phần ngầm có độ sâu không lớn.

E.2 Thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn SPT:

Thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn SPT là thí nghiệm xuyên động được thực hiện trong hố khoan, được dùng làm cơ sở để phân chia các lớp đất đá, xác định độ chặt của đất loại cát, trạng thái của đất loại sét, xác định vị trí lớp đất đặt mũi cọc, tính toán khả năng chịu tải của cọc, cũng như thiết kế móng nông… Thí nghiệm này còn được dùng để xác định chiều sâu dừng khảo sát, đánh giá khả năng hoá lỏng của đất loại cát bão hoà nước.

E.3 Thí nghiệm cắt cánh:

Thí nghiệm cắt cánh được thực hiện trong các lớp đất có trạng thái từ dẻo mềm đến chảy, trong hố khoan để xác định sức kháng cắt không thoát nước của đất, cung cấp thêm các thông tin cho việc thiết kế và thi công các công trình ngầm có độ sâu không lớn.

E.4 Thí nghiệm nén ngang trong hố khoan:

Thí nghiệm nén ngang trong hố khoan được sử dụng cho các lớp đất rời và đất dính và thực hiện được ở các độ sâu khác nhau để xác định đặc tính biến dạng và mô đun biến dạng ngang của đất đá.

E.5 Thí nghiệm ép nước trong hố khoan:

Thí nghiệm ép nước trong hố khoan được dùng để xác định tính thấm nước, khả năng hấp thụ nước của đá gốc nứt nẻ. Bản chất của phương pháp thí nghiệm là cách ly từng đoạn hố khoan bằng các nút chuyên môn, sau đó ép nước vào các đoạn đất đá cách ly với các chế độ áp lực định trước.

E.6 Thí nghiệm hút nước từ hố khoan:

Thí nghiệm hút nước từ hố khoan nhằm xác định lưu lượng, hệ số thấm, kể cả của đất ở thành hố móng, độ dốc thuỷ lực và khả năng có thể sinh ra áp lực thuỷ động, phục vụ cho công tác thiết kế chống giữ và chống thấm cho thành và đáy hố móng, công tác thiết kế thi công hạ mực nước ngầm

E.7 Quan trắc nước:

Quan trắc nước để xác định chế độ biến đổi mực nước dưới đất trong khu vực khảo sát. Chế độ nước trong đất được đo bằng hai loại thí nghiệm:
E.7.1 Đo mực nước tĩnh (ống standpipe): Đo mực nước tĩnh (ống standpipe) chiều sâu đặt ống nhỏ hơn 15 m nhằm cung cấp các thông tin về chế độ nước mặt. Ống đo nước cho phép thấm vào bên trong trên toàn bộ chiều dài. Các kết quả đo được sử dụng cho việc thiết kế thi công hố đào, tường tầng hầm, đề xuất biện pháp làm khô đáy móng cho việc thi công.
E.7.2 Đo áp lực nước theo độ sâu (ống piezometer): Đo áp lực nước theo độ sâu (ống piezometer) độ sâu đặt đầu đo phụ thuộc vào cấu tạo địa tầng và vị trí tầng chứa nước. Các kết quả đo được sử dụng cho việc thiết kế thi công cọc nhồi, tường trong đất, các giải pháp thi công theo công nghệ ướt (chọn công nghệ thi công thích hợp).

E.8 Thí nghiệm xác định điện trở của đất:

Thí nghiệm xác định điện trở của đất được thực hiện trong lòng hố khoan theo độ sâu để cung cấp các thông số thiết kế chống sét và tiếp đất.

E.9 Xác định tầng hoặc túi chứa khí

Trong một số trường hợp cần xác định tầng hoặc túi chứa khí trong đất có khả năng gây nhiễm độc hoặc cháy nổ khi khoan cọc nhồi hoặc đào hố móng sâu.

E.10 Thí nghiệm nén tĩnh

Khi khảo sát phục vụ cho thiết kế kỹ thuật và lập bản vẽ thi công móng cọc, tiến hành công tác thí nghiệm nén tĩnh để xác định sức chịu tải của cọc đơn và các phương pháp khác để kiểm tra chất lượng cây cọc. Khối lượng và các yêu cầu kỹ thuật phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn hiện hành có liên quan.


Bạn không biết Tải Tài Liệu như thế nào ? 👉 Xem Cách Tải 👉