Khởi công dự án Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Gia Lai
Ngày 14/05, lễ khởi công dự án Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai đã diễn ra tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.
Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai có tổng vốn đầu tư khoảng 1.030 tỷ đồng với quy mô sử dụng đất khoảng 100 ha, bao gồm: khu trang trại chăn nuôi 2.500 lợn giống cụ kỵ chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan, nhà máy giết mổ lợn thịt, nhà máy sản xuất phân hữu cơ, khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ, khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh…
Đây là dự án tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN thứ 4 tại Việt Nam của Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn, dự án chuyên sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín bao gồm: chọn lọc, sản xuất heo giống – gà giống; nhà máy giết mổ heo tự động; sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ; sản xuất phân bón hữu cơ và thương mại các sản phẩm chăn nuôi.
Khởi công dự án Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Gia Lai ảnh 1
Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký kết MOU về chương trình hợp tác chiến lược giữa 2 Tập đoàn
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đ/c Phùng Đức Tiến đánh giá cao các nỗ lực của Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus trong việc liên doanh hợp tác phát triển, đầu tư xây dựng hàng loạt hệ thống trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao cung cấp con giống chất lượng cao cho khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, phù hợp với chiến lược phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành, chiến lược phát triển của Gia Lai là từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi liên kết, hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với 106 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, tổng vốn đầu tư trên 15.000 tỷ đồng.
Tổ hợp dự kiến sẽ áp dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt quá trình chăn nuôi, giúp kiểm soát tốt chất lượng chăn nuôi, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao. Sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống.
Ngày 14/5, Khởi công dự án Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Gia Lai
Ông Koen De Heus, đồng Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn De Heus Hoàng Gia, cho biết: “Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai ra đời nhằm cung cấp, cải thiện và nâng cao chất lượng con giống cho các trang trại chăn nuôi Việt Nam. Không những thế, Tổ hợp còn tạo ra sản phẩm có chất lượng cao cho hệ thống chuỗi và hướng tới nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và hiện đại, đáp ứng đúng chủ trương của Chính phủ Việt Nam”.
Dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký kết MOU về chương trình hợp tác chiến lược giữa 2 Tập đoàn. Theo đó, hai bên sẽ cùng nhau lên kế hoạch, xây dựng và phát triển những dự án trong lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, từ năm 2022 đến 2030, De Heus và Hùng Nhơn sẽ tiếp tục hợp tác để mở rộng và phát triển mạng lưới chuỗi các dự án chăn nuôi giống lợn cụ, kỵ quy mô lớn và vùng an toàn dịch bệnh tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Sau khi hoàn thành dự án tại Gia Lai, tiếp đến sẽ triển khai tại Đắk Nông và Kon Tum. Chuỗi dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Mục tiêu cho dự án lợn giống của Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn đến năm 2030 sẽ đạt: công suất khoảng 10.000 con lợn cụ, kỵ, ông, bà (tương đương 80.000 con lợn hậu bị mỗi năm), công suất đàn lợn nái khoảng 200.000 con và khoảng 6 triệu con lợn thịt. Tổng mức doanh thu dự kiến khoảng 2 tỷ USD mỗi năm. Với lĩnh vực chăn nuôi gà, De Heus và Hùng Nhơn đã xây dựng khu chăn nuôi Bel Gà tại Tây Ninh. Dự án Bel Gà bao gồm: 2 trang trại gà bố mẹ có công suất 25 triệu trứng/năm, 250 trang trại chăn nuôi gà thịt an toàn có công suất 25 triệu gà thịt/năm và một tổ hợp các nhà máy sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín.
Bạn không biết Tải Tài Liệu như thế nào ? 👉 Xem Cách Tải 👉